Bạn thân mến, chúng ta thường tìm kiếm các bí quyết thành công mà những người thành công đã làm để Thành Công và Giàu Có. Tuy nhiên, ít ai biết thực sự họ có được thành công cũng như sự giàu có đó bắt đầu chỉ đơn giản như thế nào.
Để biết một trong những BÍ MẬT mà hầu hết những người thực sự thành công đã từng thực hiện, bạn hãy đọc 03 câu chuyện ngắn được chia sẻ ở dưới đây và bạn sẽ nhận thấy đó chính là một trong những lý do tại sao chỉ có một số rất ít những người thành công và giàu có so với đa số những người còn lại.
Câu chuyện thứ nhất:
Bạn có biết những người có mục tiêu cụ thể cho cuộc đời mình là những người thành công và giàu có nhất? Cuộc khảo sát thực hiện tại trường đại học Yale ở Mỹ đã cho thấy sự khác biệt rất lớn giữa những người biết rõ mục tiêu của đời mình và những người không biết mình muốn gì trong cuộc sống.
Năm 1980, khi được hỏi về mục tiêu đặt ra cho cuộc đời, chỉ có 3% số sinh viên tham gia khảo sát viết ra mục tiêu và kế hoạch thực hiện cụ thể. 13% sinh viên có mục tiêu, nhưng không viết ra giấy. 84% còn lại hoàn toàn không biết (hoặc không có) mục tiêu hay kế hoạch nào.
15 năm sau, sự khác biệt giữa nhóm có mục tiêu rõ ràng cho cuộc đời mình và 2 nhóm còn lại thật sự gây bất ngờ. Số 13% sinh viên có mục tiêu nhưng không viết ra giấy có thu nhập cao gấp 2 lần những sinh viên không biết mình muốn gì trong đời. Điều gây ngạc nhiên lớn nhất nằm ở nhóm 3% sinh viên có mục tiêu và kế hoạch thực hiện chi tiết: họ có thu nhập cao gấp 10 lần tổng thu nhập của 97% sinh viên còn lại!
(trích từ Never Eat Alone)
Câu chuyện thứ hai:
Có thể bạn đã từng lập kế hoạch cho những chuyến du lịch, công tác xa, hay kế hoạch chuẩn bị cho những buổi liên hoan, nhưng việc lập kế hoạch cho cuộc đời của mình, vì một lý do nào đó bạn chưa từng nghĩ đến, mặc dù có thể nói, việc lập kế hoạch cho chính cuộc đời mình bao giờ cũng quan trọng hơn rất nhiều so với hầu hết các bản kế hoạch còn lại.
Bạn hãy nhớ lại, mỗi lần bạn đi du lịch hay đi công tác, bạn đều lên kế hoạch và chuẩn bị rất chu đáo thức ăn, đồ uống, quần áo, giấy tờ và tiền bạc, cùng với những lời dặn dò của bố mẹ để bạn có được một chuyến du lịch an toàn và vui vẻ hay một chuyến công tác thượng lộ bình an. Nếu bạn chuẩn bị thiếu một số thứ quan trọng nào đó ví dụ như giấy tờ hay tiền bạc, chắc chắn bạn sẽ gặp những khó khăn, trở ngại cho chuyến du lịch, công tác đó.
Việc chuẩn bị cho con thuyền cuộc đời của bạn cũng vậy, nếu bạn chuẩn bị tốt và chu đáo thì cuộc đời bạn sẽ thuận lợi hơn và có thể đến được nơi bạn muốn đến. Nếu bạn chuẩn bị thiếu một số thứ quan trọng nào đó, thậm chí không có một chuẩn bị gì, không có một kế hoạch nào cho chuyến đi của mình, thì con thuyền của bạn sẽ gặp khó khăn và đôi khi bạn khó có thể đến được nơi bạn mong muốn, hay nơi bạn muốn đến.
Câu chuyện thứ ba về người thành công:
Thành viên HĐQT ABBank với kế hoạch cuộc đời
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, thành viên HĐQT Ngân hàng An Bình.
“Một năm bắt đầu từ mùa xuân, một đời bắt đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”. Sinh thời, khi nói về thế hệ trẻ, Hồ Chủ tịch đã có những so sánh như thế vàthành công luôn thuộc về ai biết lập kế hoạch cho cuộc đời mình.
Tâm đắc với kế hoạch cuộc đời, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, thành viên HĐQT Ngân hàng An Bình cho rằng, mỗi người đều có những kế hoạch cho cuộc đời mình, dù dài hay ngắn và ông đã chia sẻ câu chuyện mang ý nghĩa sâu sắc về bản kế hoạch cuộc đời của chính ông.
Năm 29 tuổi, khi sắp hoàn tất luận án, giáo sư đỡ đầu gọi tôi vào, bảo: “Anh Hiếu ơi, anh sắp xong luận án rồi, anh muốn làm cái gì trong cuộc đời? Tôi nói: “Thưa thầy, tôi cũng như các bạn khác, muốn học xong trở thành chỗ dựa cho gia đình và có một công việc cho thu nhập tốt để đến khi về hưu sống an toàn, thoải mái”.
Vị giáo sư nói rằng: “Tôi muốn hỏi anh một điều anh muốn sống được bao lâu trong cuộc đời của anh?” Tôi mới nói: “Thưa thầy, làm sao tôi biết được chuyện sống chết. Ngày mai ra đường tôi có thể bị xe cán chết. Tôi không thể nghĩ được tôi muốn sống bao nhiêu năm cả”. Ông ấy bảo: “Anh không hiểu ý của tôi”. Cái tôi hỏi anh không phải là anh sẽ sống được bao lâu, mà anh muốn sống được bao lâu”.
Tôi bảo giáo sư cho tôi một tuần để trả lời. Một tuần sau, gặp ông ấy, tôi nói: “Nếu Chúa thương cho tôi sức khỏe và mọi chuyện bình an, tôi muốn sống 100 tuổi. Ông bảo: “Tuyệt vời! Anh muốn sống 100 tuổi. Vậy anh về chia giùm tôi cuộc sống của anh 10 năm một cho đến 100 tuổi. Cứ một giai đoạn, anh viết vào cuối kỳ của 10 năm đó anh muốn có bao nhiêu tài sản, anh muốn ở vị trí nào và anh đang ở trong tình trạng nào về sức khỏe, cũng như gia đình như thế nào…. ba tháng sau cho tôi biết”.
Lần đầu tiên trong đời, ông giáo sư đã cho tôi thấy thế nào là kế hoạch cuộc đời. Nhưng từ ngày về Việt Nam tôi chưa thấy ai cho tôi biết họ viết ra kế hoạch cho mấy chục năm về sau. Hãy dành thì giờ ngồi xuống viết cho mình kế hoạch trong những năm tới mình sẽ ở đâu, làm gì và từ những con số về tài sản và những mong muốn trong cuộc sống.
Từ đó, cứ mỗi năm, tôi ngồi lại viết ra 30-40 trang giấy những kế hoạch, dự định cho năm mới và xem lại tất cả những gì tôi đã làm được theo kế hoạch mà tôi đã nói chuyện với giáo sư.
Qua câu chuyện của TS. Nguyễn Trí Hiếu bạn có thể nhận thấy, đầu tiên ông cũng giống như bất cứ ai như chúng ta, tuy nhiên sau khi ông được vị giáo sư gợi ý ông sự cần thiết trong việc lập kế hoạch cuộc đời, và chỉ đơn giản bằng việc ông đã lập kế hoạch cho cuộc đời mình theo hướng dẫn của vị giáo sư, mà nhờ đó ông có được những mục tiêu, sự định hướng và kế hoạch tổng thể để từng bước trở thành người thành công & giàu có như bạn đã thấy.
(Nguồn: Cafebiz.vn)